Hiểu về chuyên ngành Kinh doanh Quốc tế
Updated: Jul 5, 2021
Có thể nói, chuyên ngành Kinh doanh Quốc tế là một trong những ngành "hot" ngày nay bởi vì cơ hội cũng như triển vọng nghề nghiệp tương đối hấp dẫn. Nhưng liệu là một sinh viên lớp 12 đang đứng trước những lựa chọn như vậy thì các bạn đã có sự tìm hiểu kỹ lưỡng để đưa ra quyết định cho bản thân mình chưa? Nếu chưa thì hãy dành thời gian đọc hết bài viết này nhé!
#1 Kinh doanh Quốc tế (International Business) là gì?
Trích từ vlog của chị @moedidau thì...
Kinh doanh Quốc tế là toàn bộ hoạt động giao thương, sản xuất và phân phối sản phẩm giữa các quốc gia để tạo ra lợi nhuận cho các bên liên quan.
Riêng trường mình (TDTU) thì định nghĩa về ngành này trên trang tuyển sinh hàng năm như sau:
Đây là ngành học sẽ cung cấp cho người học những kiến thức chung về quản trị kinh doanh cũng như các kiến thức chuyên môn thuộc lĩnh vực kinh doanh quốc tế như: thương mại quốc tế, Logistics và vận tải quốc tế, thanh toán quốc tế, marketing, quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu, hoạch định chiến lược kinh doanh quốc tế,...
#2 Sinh viên theo đuổi chuyên ngành này sẽ được học những môn gì?
Theo như mình tìm hiểu thì hầu hết tất cả các trường đều có khung chương trình đào tạo khác nhau, có những môn trường này có dạy nhưng trường khác thì không, tỉ lệ này không quá chênh lệch nhưng nhìn chung thì các bạn vẫn sẽ được học hai nhóm môn sau đây:
a. Nhóm môn học đại cương:
Kinh tế vi mô/vĩ mô
Toán kinh tế
Nguyên lý quản trị/marketing/kế toán
Luật thương mại/công ty
Quản trị tài chính
b. Nhóm môn học chuyên ngành:
Thực hành kỹ thuật nghiệp vụ ngoại thương
Vận tải bảo hiểm, nghiệp vụ hải quan
Quản lý đa văn hoá
Thống kê trong kinh doanh và kinh tế
Kinh doanh quốc tế
Đọc đến đây chắc chắn sẽ có hai luồng ý kiến trái chiều đó là học đại học dễ và khó, không biết các bạn nghĩ thế nào nhưng riêng cá nhân mình thì cảm thấy vừa phải và còn tuỳ thuộc vào môn học nào nữa, chẳng hạn như những môn thống kê, kế toán thì tương đối khó và cần sự tập trung cao, còn đối với những môn viết báo cáo thì chỉ cần bạn chịu khó đọc nhiều tài liệu, chăm chỉ nhiều chút là sẽ qua môn một cách dễ dàng. Tóm lại là, học đại học không khó cũng không dễ, nó phụ thuộc vào cách bạn học như thế nào và có một quan điểm luôn đúng là học đại học không nhàn như nhiều người vẫn nghĩ đâu :)
#3 Vậy cơ hội nghề nghiệp trong ngành Kinh doanh Quốc tế thì sao?
Theo như quan điểm của mình, ngày nào thế giới còn có thương mại, còn có mua bán hàng hoá giữa các quốc gia thì ngày đó vẫn còn cơ hội việc làm, chỉ e sợ rằng khi công nghệ quá phát triển đến mức thay thế hoàn toàn con người với máy móc thì mới sợ thôi các bạn ạ.
Khi theo học chuyên ngành này, sinh viên sẽ có cơ hội làm việc ở một số lĩnh vực và vị trí đặc thù như sau:
a. Lĩnh vực xuất nhập khẩu:
- Chuyên viên xuất nhập khẩu
- Chuyên viên thanh toán quốc tế
b. Lĩnh vực Logistics và quản lý chuỗi cung ứng:
- Nhân viên thu mua
- Nhân viên hiện trường
- Nhân viên chứng từ - chăm sóc khách hàng
c. Lĩnh vực Marketing và kinh doanh:
- Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu
- Chuyên viên kinh doanh cước tàu biển
- Chuyên viên hoạch định tài chính hay tư vấn đầu tư quốc tế
#4 Chúng ta sẽ có thể làm việc ở đâu?
Nhiều bạn nghĩ rằng học ngành này sẽ phải làm việc ở cảng rất là nặng nhọc và áp lực, điều này cũng đúng một phần thôi vì hầu như những công việc nặng thường là các bạn nam sẽ ứng tuyển còn chị em phụ nữ chúng mình nếu thích thì vẫn có thể làm việc tại văn phòng cơ mà. Một số đại lý hãng tàu, cảng, sân bay mà chúng ta có thể tìm kiếm việc làm đó là: tân cảng Cát Lái, cảng Hải Phòng, Maersk, Emirates Shipping Line, Evergreen, Yang Ming,...
Ngoài ra chúng ta còn có thể làm việc tại các công ty vận tải, giao nhận như Gemadept, DHL, CJ Logistics, Vietranstimex, Hưng Thịnh Phát, On Time Worldwide Logistics,...
Và tất nhiên rồi, chúng ta không thể không nhắc đến các tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng như Unilever, P&G, Pepsico, Shopee, IBM, Samsung,...và một số tập đoàn lớn tại Việt Nam như Vinamilk, IPPG, Vingroup, Masan, Doji,...rất rất nhiều đó!
#5 Vậy thì những tố chất nào mà sinh viên chuyên ngành Kinh doanh Quốc tế cần có?
Có thể ban đầu bạn khộng hội tụ đủ các tố chất này, tuy nhiên hãy dành 4 năm đại học của mình để rèn luyện, trau dồi để mỗi ngày trôi qua bạn sẽ trở nên tốt hơn. Một số yêu cầu mà sinh viên ngành này nên có là:
- Khả năng ngoại ngữ tốt
- Kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, thuyết trình, tin học văn học,...
- Biết chủ động trong việc học, chăm chỉ tìm kiếm thông tin và tài liệu thật nhiều để tích luỹ nhiều kiến thức hay.
- Ngoài ra sở hữu tấm bằng FIATA cũng là lợi thế cho bạn nữa và đừng quên yếu tố cuối cùng là thái độ ham học hỏi cũng như tinh thần cầu thị nha!
#6 Câu hỏi cuối cùng, chúng ta nên học Kinh doanh Quốc tế tại trường nào?
Theo mình thì mỗi trường sẽ có ưu nhược điểm khác nhau, các bạn đừng như mình ngày xưa quá đề cao những trường TOP mà nghi ngờ các trường còn lại, năm nay đã là năm 2021 rồi, việc học trường nào sẽ không còn quan trọng nữa nhưng cái chính là bạn sẽ học được gì sau 4 năm đại học, mình sẽ đề xuất 10 trường mình nghĩ là chất lượng đào tạo rất tốt, tuy nhiên bạn nhớ tham khảo thật kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng cho bản thân nha:
...
Mình chân thành cảm ơn bạn đã đọc đến tận dòng này, nếu như có bất kỳ câu hỏi nào muốn trao đổi, hãy để lại comment bên dưới hoặc liên lạc với mình qua email và mạng xã hội nhé! Mình chúc các độc giả của Noble Quotes VN sẽ có một ngày học tập và làm việc thật vui.
Love you, xoxo!
By Catherine Nguyen
Nguồn hình ảnh: Pinterest
Commentaires