top of page
Catherine Nguyen

Shark Khoa và câu chuyện khởi nghiệp

Updated: Jul 4, 2021

Lê Đăng Khoa được biết đến là một doanh nhân trẻ tài năng khi sáng lập và điều hành nhiều dự án, doanh nghiệp có tiếng hiện nay như: Khu du lịch sinh thái The Bamboo, chuỗi cửa hàng hoa 38 Flower Market Tea House, công ty về cảnh quan Landscape Company,... Bên cạnh đó, chàng trai sinh năm 1983 này còn là ông bầu của đội bóng rổ DaNang Dragon. Và đặc biệt không thể không kể đến vị trí “Shark” (cá mập) quyền lực khi anh tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 1.


Đến với IELTS FACE-OFF, Shark Khoa đã chia sẻ những kinh nghiệm từng trải sau quá trình khởi nghiệp của mình. Mở đầu, MC Phoebe đã đặt câu hỏi về cơ duyên mà chàng “cá mập” soái ca này quyết định làm kinh doanh. Anh đã không ngần ngại chia sẻ rằng: “Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo nhưng bố mẹ tôi lại thích buôn bán những mặt hàng nhỏ. Tôi từng giúp đỡ bố mẹ tôi quản lý cửa hàng của gia đình. Bố tôi đã chỉ dạy cho tôi rất nhiều bằng cách phân tích tại sao quán cà phê này gặp vấn đề, tại sao nhà hàng này lại thành công, tại sao người kia lại thất bại.


Lúc đó tôi chỉ mới 6,7 tuổi, không biết nhiều về kinh doanh và tiền bạc. Nhưng những câu chuyện đó đã đọng lại trong đầu từ ngày này sang ngày khác. Sau khi du học, tôi trở về đảm nhiệm việc kinh doanh của gia đình. Sau 4 năm điều hành công việc kinh doanh của gia đình, tôi bắt đầu sự nghiệp của riêng mình”.

Shark Lê Đăng Khoa

Và câu hỏi tiếp theo chắc hẳn là điều rất nhiều người đang có ý định khởi nghiệp : “Những đặc điểm nào sẽ thu hút anh đầu tư vào một dự án khởi nghiệp?”. Shark Khoa cho rằng điều quan trọng hàng đầu của dự án đó phải là sản phẩm hoặc dịch vụ rất khác biệt, có tiềm năng. Tiếp đến là yếu tố đội ngũ phải tốt: họ phải chứng minh họ có thể vận hành và quản lý công ty ngay cả ở quy mô thực sự nhỏ và thường phải tồn tại hơn 1 năm. Cuối cùng là yếu tố thị trường, thị trường phải lớn. “Tôi không giỏi vận hành, tôi không biết cách làm một bó hoa, tôi không biết làm nóng để làm một chiếc bánh, nhưng tôi một người có tầm nhìn. Vì thế tôi có thể cho người khởi nghiệp những tư vấn về tài chính, truyền thông đại chúng, thương hiệu, marketing, miễn bạn cho tôi thấy bạn có thị trường lớn”, anh giải thích thêm.


Thêm vào đó, anh còn đề cập đến những kỹ năng nếu người trẻ muốn trở thành một doanh nhân: “Tôi nghĩ trước tiên họ phải kiên định, họ phải khiêm tốn, có kỹ năng lắng nghe tốt, phải đọc thật nhiều, họ phải hiểu thế giới xung quanh mình vì thế giới ngày nay thay đổi gần như mỗi giây… Đừng để vấp ngã làm chùn bước chân đến thành công của chúng ta”.

Giữa chương trình, các khán giả trẻ hứng thú với khởi nghiệp đã đặt cho anh khá nhiều câu hỏi hay. Bạn Quyên đến từ Học viện Ngân hàng đã hỏi: “Trong tương lai, em muốn mình sẽ thành lập 1 chuỗi cửa hàng tiện lợi giống Circle K, anh có thể cho em 1 vài lời khuyên để thiết lập 1 cửa hàng và 1 thương hiệu không ạ?”.


Không tiếc kinh nghiệm, anh đã vui vẻ chia sẻ: “Đầu tiên, em phải có kinh nghiệm. Để làm được việc đó, em cần phải nghiên cứu về hành vi của cộng đồng. Họ không bán thứ gì mà không có lý do, các loại đồ ăn, thức uống mà họ bán họ đều có công thức, đều có lý do đằng sau đó. Nên lời khuyên của anh là, nếu em thật sự nghiêm túc về ước mơ của mình, em phải làm việc cho 1 trong những công ty tương tự như Circle K, 7 eleven, Vinmart để thấy họ vận hành chúng như thế nào, để tìm ra công thức của họ.


Đối với anh, việc mở một cửa hàng là một câu chuyện rất khác với việc tạo ra một thương hiệu. Nếu bạn chỉ mở một cửa hàng tiện lợi, bạn có thể mở hôm nay hoặc ngày mai với gia đình hoặc chỉ thuê một địa điểm và chỉ cần mua một số thứ để bán nó và bạn có thể gọi nó là “cửa hàng tiện lợi”. Nhưng đó không phải là thương hiệu! Một thương hiệu là thứ mà mọi người đều biết đến.”


Khi được MC Phoebe hỏi về suy nghĩ của anh khi nghe được rằng nhiều bạn trẻ khởi nghiệp muốn “thay đổi thế giới”, anh đã bày tỏ rằng: "Trước khi làm được điều đó, bạn hãy thay đổi những người hàng xóm của mình trước, hãy thuyết phục họ mua sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn đi đã!”.


Và trên con đường startup của mỗi người cũng lắm chông gai, hiểu về vấn đề này, khán giả Hương đã thắc mắc: “Trên con đường khởi nghiệp, chắc hẳn anh đã gặp khá nhiều khó khăn. Vậy làm thế nào để anh vượt qua khó khăn đó”. Shark Khoa đã thẳng thắn bày tỏ : “Quyết định trở thành 1 CEO, 1 chủ doanh nghiệp, bạn phải chuẩn bị một điều là: Mỗi ngày thức dậy, dù có chuyện gì xảy ra, bạn cũng phải có giải pháp cho những vấn đề đó.


Anh đã gặp nhiều khó khăn trong cả quá khứ và hiện tại. Nhưng nó chỉ là một phần của cuộc sống. Khi chúng ta gặp và trải qua khó khăn, chúng ta thường có nhiều cảm xúc. Như vậy chúng ta cũng được rèn luyện để vượt qua chúng nhanh hơn. Khi trải qua nhiều, bạn sẽ thấy cân bằng và có nhiều kinh nghiệm hơn. Bạn sẽ dễ dàng bình tĩnh và đưa ra giải pháp hiệu quả hơn.”

Khán giả Hà là một giáo viên dạy Tiếng Anh có nguyện vọng sẽ mở một trung tâm dạy Anh ngữ đã đặt câu hỏi cho Shark Khoa rằng làm thế nào anh có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống? Anh cho rằng nên biến công việc thành điều chúng ta thực sự đam mê và thấy vui vẻ khi làm. Song song đó "soái ca khởi nghiệp" cũng nhấn mạnh về sự tập trung với người trẻ.


"Tôi biết có nhiều bạn sinh viên dành cả ngày ở trường đại học nhưng vẫn thất bại. Nhưng cũng có một số bạn chỉ học 1 tiếng mỗi ngày nhưng họ vẫn đạt được điểm cao nhất. Điểm khác biệt là gì? Chính là sự tập trung!", Shark Khoa nhắn nhủ.


Ở phần cuối, khán giả còn được chứng kiến màn kêu gọi đầu tư vốn của MC Phoebe được Shark Đăng Khoa đánh giá là "rất ấn tượng" trong thử thách IELTS Challenge của chương trình.

Nguồn: Kênh 14

 

Kết nối với Shark Khoa qua Facebook

Xem lại tập IFO tại đây:


0 comments

Comentários


bottom of page